Người mới học hoặc mất gốc cần làm gì để mau nói được tiếng Anh

Bài viết này dành riêng cho những bạn mới học tiếng Anh hoặc mất gốc tiếng Anh trầm trọng nhưng muốn học để nói được tiếng Anh nhanh chóng.

Không lan man, vô luôn :))

Học phát âm IPA

Khi tra từ điển, bạn thường thấy kế bên các từ vựng có những ký tự đặc biệt ở giữa 2 dấu gạch chéo kiểu /bai/, /ti:n/,…

Những ký tự đó, người ta gọi là phiên âm tiếng Anh (IPA), những phiên âm đó dùng để chú thích cách phát âm của từ vựng.

Do vậy, nếu bạn biết đọc chúng, bạn sẽ biết cách phát âm của từ vựng đó.

Cách chuẩn nhất để phát âm đúng các từ vựng tiếng Anh đó là thông qua học cách đọc các phiên âm tiếng Anh.

Tiếng Anh không giống tiếng Việt, các từ vựng của nó không theo quy tắc ghép như tiếng Việt.

Như tiếng Việt, chữ y thì luôn luôn đọc là y, nhưng tiếng Anh thì khác, chữ y có lúc sẽ được đọc là /ai/, có lúc lại được đọc là /i/,…

Và không có một quy tắc tuyệt đối để bạn biết được khi nào chữ "y" trong các từ vựng tiếng Anh sẽ đọc là /ai/, khi nào sẽ đọc là /i/.

Bạn không thể biết chính xác 100% cách đọc của từ vựng nếu chỉ nhìn cách viết của nó.

Cách chuẩn nhất đó là tra phiên âm cách đọc của từng từ vựng trên từ điển.

Do vậy, học cách đọc phiên âm để phát âm chuẩn là một trong những phương pháp tối ưu nhất.

Cách học cách đọc phiên âm nhanh chóng thì bạn hãy xem video bên dưới.

Ngoài ra, bạn nên tra cứu thêm các video miễn phí trên YouTube về cách đọc các âm trong bảng phiên âm tiếng Anh.

Có thể kiếm các từ khóa như:

  • Cách phát âm 44 âm trong tiếng anh
  • Học phát âm tiếng Anh
  • ….

Về phát âm, thì bạn chỉ cần xem các video miễn phí trên YouTube kết hợp với phương pháp được chia sẻ trong video bên trên kia, cộng thêm siêng năng luyện tập là bạn có thể phát âm được thôi.

Tôi cũng từng học như vậy đó.

Tập phát âm rõ từng từ vựng

Khi bạn đã học được cách phát âm chuẩn rồi, bạn nên tập thêm cho tôi một thói quen.

Đó là tập phát âm rõ từng từ vựng bạn học được.

Mỗi một từ mới bạn gặp hoặc những từ cũ mà bạn chưa biết cách phát âm, hãy tra từng từ đó lên từ điển.

Và tập phát âm thật rõ các từ vựng đó cho tới khi quen miệng.

Do cách phát âm của tiếng Anh có chút khác biệt so với tiếng Việt, nên những người mới thường dễ phát âm không rõ, lẹo lưỡi hoặc thiếu âm cuối như /s/,… khi nói trong một câu dài.

Cho nên, bạn cần tập thói quen phát âm rõ từng từ cho cái miệng nó quen và lưu loát, đặc biệt là phát âm rõ các âm cuối.

Để khi nói trong một câu dài, bạn sẽ hạn chế được việc phát âm lẹo lưỡi do không quen miệng hoặc thiếu âm cuối,…

Đây là lỗi mà rất nhiều bạn mắc phải, nên bạn cần phải luyện tập thường xuyên để việc phát âm của bạn được trôi chảy.

Tập phát âm rõ nguyên cụm từ và câu

Bạn có thể kiếm các bài đọc tiếng Anh và vừa nhìn vừa đọc.

Hãy luyện đọc phát âm cho thật quen miệng và lưu loát, trôi chảy.

Đây là điều vô cùng quan trọng, bạn không thể nói được tiếng Anh lưu loát nếu phát âm của bạn chưa trôi chảy.

Người mới chưa cần phải suy nghĩ câu để nói.

Chỉ cần tập khả năng có thể phát âm trôi chảy các câu tiếng Anh mà bạn đọc trên các bài viết,… là được.

Nghĩa là hãy tập kỹ năng vừa nhìn vừa phát âm trôi chảy trước.

Học cụm từ

Thay vì cố gắng học từ vựng và dùng ngữ pháp để ghép các từ vựng lại thành với nhau thì hãy học cụm từ.

Ví dụ, thay vì dùng ngữ pháp để ghép ra cụm từ "find a good job" (kiếm một công việc tốt)

Hãy coi "find a good job" như một từ vựng và học chúng.

Như vậy, khi bạn muốn nói "Tôi muốn kiếm một công việc tốt" bạn chỉ cần suy nghĩ một chút ở khúc "tôi muốn", còn khúc "kiếm một công việc tốt" thì bạn chỉ cần lấy cụm từ "find a good job" ra sử dụng, điều đó giúp bạn có thể suy nghĩ nhanh hơn.

Những cụm từ hữu dụng là những cụm từ mà bản thân bạn thấy chúng sẽ được dùng thường xuyên.

Ví dụ:

  • Make money (kiếm tiền)
  • Tell a story (kể một câu chuyện)
  • Predict the weather (dự đoán thời tiết)
  • Form a new habit (xây dựng một thói quen mới)
  • Break a bad habit (bỏ một thói quen xấu)
  • ….

Đừng hỏi tôi về những danh sách cụm từ như thế này ở đâu.

Tư duy của tôi là không học từ vựng qua danh sách, cho nên tôi không có danh sách từ vựng hay cụm từ nào cho bạn đâu.

Tôi cũng không khuyến khích bạn học thuộc các từ vựng, cụm từ trong danh sách.

Khi bạn đọc nhiều bài đọc tiếng Anh, bạn sẽ tự gặp rất nhiều cụm từ trong đó, do vậy, hãy chịu khó đọc các bài đọc tiếng Anh một cách thường xuyên.

Tập nói theo mẫu câu

Khi bạn biết càng nhiều cụm từ, bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều thời gian suy nghĩ khi nói.

Bởi vì bạn chỉ cần nói ra những cụm từ bạn đã học mà hầu như không cần dùng tới ngữ pháp để ghép ra chúng.

Nhưng để có thể nói được lưu loát, bạn cần phải có khả năng phát âm trôi chảy các cụm từ bạn đã học.

Nhưng để nói được nhiều câu hơn, suy nghĩ nhanh hơn.

Bạn cần phải tập phản xạ nói tiếng Anh.

Tôi định nghĩa phản xạ nói tiếng Anh là khả năng có thể suy nghĩ và nói trôi chảy, lưu loát các câu tiếng Anh hoàn chỉnh sử dụng những từ vựng và cụm từ bạn có.

Để luyện được phản xạ nói tiếng Anh, có rất nhiều phương pháp như:

  • Effortless English
  • Shadowing
  • Similar Sentence Technique (được phát triển bởi 60sfire),…
  • Săn tây nói tiếng Anh
  • ….

Tất cả các phương pháp đó đều hiệu quả.

Thật ra luyện phản xạ, điều cốt lỗi không phải là phương pháp mà là bạn phải mở miệng ra tập nói thật nhiều để quen cái miệng.

Bởi vì người mới thường bị ám ảnh bởi tư duy dùng ngữ pháp để ghép các từ vựng và phải biết thật nhiều từ vựng mới nói được (tư duy sai) nên họ thường không chịu mở miệng ra luyện nói trước khi họ cảm thấy rằng mình đã học đủ ngữ pháp.

Muốn nói được tiếng Anh, bạn bắt buộc phải mở miệng ra để nói, dù cho đó chỉ là nói vài câu đơn giản với vốn từ ít ỏi của bạn.

Ví dụ, bạn chỉ mới biết vài từ vựng và cụm từ như:

  • Learn (học)
  • Teach (dạy)
  • English (tiếng Anh)
  • Vietnamese (tiếng Việt)
  • Love (yêu)

Và bạn chỉ mới học kiến thức về thì hiện tại đơn như video bên dưới.

Hãy ngay lập tức, áp dụng kiến thức đã học để nói những câu đơn giản với những từ vựng bạn biết như:

  • I learn English (tôi học tiếng Anh)
  • I learn Vietnamese (tôi học tiếng Việt)
  • I teach English (tôi dạy tiếng Anh)
  • I teach Vietnamese (tôi dạy tiếng Việt)
  • She learns English (cô ấy học tiếng Anh)
  • She learns Vietnamese (cô ấy học tiếng Việt)
  • He loves Alice (anh ấy yêu Alice)

Bạn phải mở miệng ra tập nói thì mới có được phản xạ nói tiếng Anh.

Tất cả các phương pháp luyện nói phổ biến như Effortless English, shadowing, Similar Sentence Technique,… mà tôi nhắc đến ở trên, chung quy lại chúng đều ép người học phải mở miệng ra nói.

Và đó mới là điệu quan trọng của các phương pháp luyện nói.

Không mở miệng, không bao giờ nói được.

Do vậy, bạn phải cố gắng luyện nói những kiến thức mình học được với vốn từ bạn đang có, dù cho nó có ít ỏi.

Điều quan trọng không phải là bạn nói được nhiều từ vựng hay không, mà quan trọng là suy nghĩ nhanh.

Biết nhiều từ vựng mà không thể suy nghĩ nhanh, nói nhanh thì cũng chỉ là từ vựng nằm im trong túi mà thôi.

Tin tôi đi, khi bạn có thể suy nghĩ nhanh thì tất cả từ vựng bạn học được sau đó, bạn đều có thể nói nhanh được chúng một cách dễ dàng.

Một phương pháp đơn giản để bạn luyện nói là tập nói theo mẫu câu.

Bạn có thể áp dụng phương pháp Similar Sentence Technique (phương pháp câu tương tự) mà 60sfire đang phát triển để luyện nói theo mẫu câu.

Cụ thể, bạn có thể truy cập bài học tại luyện nói mẫu câu It's hard to ….

Sau đó, xem video lý thuyết để hiểu cách đặt câu đúng ngữ pháp với mẫu câu đó.

Tiếp theo là nghe những câu tương tự nhau có áp dụng mẫu câu đã học, mục đích là để bạn có thể dễ dàng nhớ mẫu câu, thấm mẫu câu.

Tiếp theo bạn hãy áp dụng kiến thức trong video để luyện nói những câu khác với vốn từ bạn đang có (nếu chưa có vốn từ thì chỉ cần nói lại những câu bạn đã nghe)

Theo dõi tôi trên để cập nhật các bài viết mới sớm nhất

Khóa học tiếng Anh từ con số 0Đăng ký ngay